Smartex

5 dự báo trong bức tranh kinh tế thế giới 2016 Featured

5-du-bao-kinh-te-the-gioi

 

2016 được đánh giá sẽ là năm có rất nhiều sự kiện đáng chú ý ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới, và các tổ chức tài chính uy tín đều dự báo kinh tế thế giới trong năm này sẽ không có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó Trung Quốc là "biến số" quan trọng nhất.

 

 

1. Tăng trưởng GDP sụt giảm

Trong Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu công bố vào tháng 10/2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét: “Kinh tế thế giới trong năm tới sẽ lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng trung bình trong dài hạn, nhưng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là rất khó khăn”.

Quỹ này đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với 3,1% năm nay và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980 - 2014.

Trong khi đó, ngày 10/12, Liên hiệp quốc (LHQ) công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 chỉ đạt 2,9%.

LHQ cho rằng những “cơn gió ngược” sẽ tiếp tục trên khắp thế giới, nhất là tại các thị trường mới nổi đã có thời thu hút các nhà đầu tư mưu tìm lợi nhuận cao hơn khi Fed chưa nâng lãi suất.

Sang năm 2016, những lo âu vẫn còn kéo dài liên quan đến tình trạng tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia của LHQ, mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ khá hơn nhưng có nhiều phần chắc đồng USD tăng giá sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong năm 2016 và giá dầu tụt dốc làm giảm đầu tư toàn cầu trong lãnh vực năng lượng.

Gần đây nhất, ngày 23/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã thông báo hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2016 từ mức dự báo 3,6% trước đó xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát.

OECD cho rằng năm 2016 sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng: củng cố sự phục hồi tại các nước phát triển, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2% so với mức chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010 - 2014; giảm tốc mạnh tại các nước mới nổi, với mức tăng trưởng giảm chỉ còn khoảng 2,4% so với mức 5% giai đoạn 2010 - 2014.

2. Khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Trung Quốc

Theo đánh giá của IMF, biến số quan trọng nhất năm 2016 chính là Trung Quốc. Tăng trưởng nước này đã xuống dưới 7% trong quý III/2015, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc, như Brazil, Chile, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhu cầu hàng Trung Quốc của thế giới không còn tăng trưởng với tốc độ như trước đây nữa. Và nước này cũng không cần nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách cấp bách. Cũng như người tiền nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có khoảng thời gian rất khó khăn, khi phải lái tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng.

IMF dự báo, năm tới nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với 6,8% năm nay. Con số này có thể chấp nhận được, dù vẫn dưới mục tiêu các lãnh đạo nước này đặt ra.

Thậm chí Trưởng ban Kinh tế toàn cầu của Citigroup Willem Buiter còn có cái nhìn bi quan hơn khi cho rằng kinh tế Trung Quốc có rủi ro cao và việc tăng trưởng nhanh có thể khiến nền kinh tế bị sụt giảm nặng nề mà nguyên nhân chủ yếu do dư thừa công suất sản xuất và tỷ lệ nợ cao.

Đồng thời, ông Buiter cảnh báo rằng do kinh tế Nga và Brazil hiện đã suy thoái, sự sụt giảm mạnh tỷ lệ tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ kéo các thị trường mới trỗi dậy khác xuống theo. Ông cho biết phần lớn các quốc gia giàu ít phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nên họ “sẽ không bị suy thoái mà chỉ tăng trưởng chậm hơn”.

3. Các nền kinh tế mới nổi "khởi sắc"

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 do Conference Board công bố ngày 9/11, tổ chức kinh tế này nhận định, trong năm 2015, nhiều thị trường đang phát triển giữ vị trí chủ chốt phải hứng chịu dồn dập những cơn gió ngược đến từ bên ngoài lẫn tự tạo ra bên trong. 

Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp đà phục hồi của các nước mới nổi bị chững lại. 

Sang năm 2016, các nền kinh tế mới nổi sẽ có sự cải thiện đôi chút, có thể tăng trưởng 3,5% và tình hình sẽ theo chiều hướng tốt dần lên, đạt mức tăng trưởng trung bình 4% trong giai đoạn 2016 - 2020, trước khi quay đầu giảm xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo cũng chỉ rõ, trong khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chủ yếu phụ thuộc và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, các thị trường lao động và nhà ở thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục phụ thuộc vào sự lên xuống của giá hàng hóa và năng lượng cũng như luồng vốn đầu tư từ bên ngoài.

Tuy nhiên, hiện các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, ngoại trừ Ấn Độ do nước này có mức gắn bó thấp với kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Brasil trong khi Nga cũng chỉ vừa mới thoát khỏi khủng hoảng từ mùa Hè 2015 sẽ tăng trưởng trở lại một cách chậm chạp.

Tại các nước đang phát triển, những nước đạt được thành tích ấn tượng nhất và đạt mức tăng trưởng từ 5-7% là những nước nhập khẩu nguyên liệu thô.

4. Kinh tế Mỹ sẽ dần ổn định

Trong bài viết đăng trên báo Pháp Le Monde (Thế giới) số ra ngày 1/1 nhận định, Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển đứng đầu là Mỹ sẽ rất khả quan trong bối cảnh chung là sự phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại.

Cụ thể, thị trường việc làm tại Mỹ sẽ được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư từ khu vực dân cư.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu tác động tiêu cực từ đồng USD mạnh, thương mại có thể sẽ bị thiệt hại lớn do hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới. Sáu năm sau khi kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, những dấu hiệu đầu tiên của sự chững lại đã xuất hiện, chẳng hạn như sản xuất công nghiệp sụt giảm hoặc lợi nhuận các doanh nghiệp giảm.

Trong bài viết đăng ngày 5/11 trên Bloomberg, tác giả Peter Coy đưa ra nhận định, Mỹ sẽ tiếp tục qua mặt các nước trong nhóm quốc gia giàu có trong năm 2016. 

Xét từ chỉ số khốn khổ (misery index), kết hợp tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp mới nhất và ở mức 5,1% hồi tháng 10, nền kinh tế Mỹ ổn định như xưa nay từ thập niên 1950.

Theo Liz Anne Sonders - Trưởng ban Chiến lược đầu tư ở Charles Schwab, cho biết: “Suy thoái xuất phát từ dư thừa. Chúng ta vẫn đang trong trạng thái hồi phục. Chúng ta thậm chí chưa trong trạng thái tăng trưởng.”

Đồng thời, sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng có thể khiến các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để nâng cấp nhà xưởng, thiết bị, và phần mềm. Những nâng cấp này lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu rồi. Torsten Slok - Trưởng ban kinh tế của Deutsche Bank, viết cho khách hàng hồi tháng 10: “Cả tiêu dùng lẫn đầu tư đều quá yếu trong suốt thời kỳ tăng trưởng này. Do đó, tôi tiếp tục tin rằng còn nhiều năm nữa mới tới cuộc suy thoái kế tiếp.”

5. Kinh tế châu Âu khó "bùng nổ"

Khác với nền kinh tế Mỹ, vốn đã tăng trưởng từ từ nhưng đều đặn kể từ năm 2009, kinh tế châu Âu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tăng trưởng kinh tế khu vực này sẽ đạt khoảng 1,9% GDP, cùng với mức tăng dân số yếu có lẽ khó dẫn tới một sự bùng nổ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức âm bên cạnh cuộc khủng hoảng người tị nạn của Châu Âu là một tình trạng căng thẳng mới đối với EU. 

Lạ lùng là điều đó có thể kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, ít nhất là ở Đức. Malte Rieth - Trưởng ban Dự báo Kinh tế toàn cầu ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (tên viết tắt theo tiếng Đức là DIW) ở Berlin, cho biết: “Chúng tôi nghĩ đó sẽ cú hích cho GDP.”

DIW tính toán rằng chính phủ sẽ trợ cấp cho người tị nạn, và họ sẽ chi tiêu, chủ yếu cho hàng hóa và dịch vụ nội địa, giúp tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng thêm 0,1% tới 0,2%.

2016 cũng sẽ là năm không mấy dễ chịu với Nga khi nước này đang phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và hụt thu ngân sách từ giá dầu giảm. IMF dự báo nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2016, nhưng tốc độ sẽ chậm lại.

Theo Viện Thống kê quốc gia và Nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee), những yếu tố kích thích sự phục hồi của kinh tế châu Âu trong thời gian tới là tiêu dùng hộ gia đình và sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư do xu hướng tăng tín dụng lần đầu tiên kể từ hơn ba năm qua, sẽ trở nên đồng đều hơn, đạt trung bình 0,4% hàng quý.

Sức tiêu dùng ở Đức tăng; Italy đã ra khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài ba năm và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm; kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng một cách vững chắc. Riêng đối với Pháp, các vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11 làm sụt giảm 0,1% tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này, tuy nhiên, sự phục hồi sẽ trở nên rõ nét vào năm 2016.

Bên cạnh đó, tạp chí Forbes đánh giá khu vực châu Âu sẽ tăng trưởng có phần khả quan hơn so với châu Á. Những nền kinh tế gắn liền với khai thác tài nguyên thiên nhiên có lẽ là khu vực ảm đạm nhất.

Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn/

Last modified on Thứ ba, 17 Tháng 5 2016 17:01
Bạn đang ở: Home Smartex Tin tức & Câu chuyện thành công Tin nổi bật 5 dự báo trong bức tranh kinh tế thế giới 2016