Smartex

Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi

xuc-tien-thuong-mai-trung-dong-chau-phi-1Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông - Châu Phi luôn giữ đà tăng trưởng ổn định nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam chưa khai thác được tối đa tiềm năng hợp tác kinh doanh với khối thị trường này. Đồng thời, hàng Việt Nam còn yếu thế cạnh tranh hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Đây là nhận xét chung của các đại biểu tại Hội thảo "Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi", do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 18/8/2016 tại Hà Nội.

 

Tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt khi thâm nhập vào thị trường Trung Đông - Châu Phi

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết "Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi có quan hệ hợp tác từ rất sớm và luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 70 quốc gia ở khu vực này và kim ngạch hai chiều trong vòng 10 năm trở lại đây giữa Việt Nam và Trung Đông - Châu Phi từ 2 tỷ USD đã tăng lên gấp 8 lần".

xuc-tien-thuong-mai-trung-dong-chau-phi-2

Cùng với đó, đây còn là khu vực có diện tích rộng trên 36 triệu km2 với dân số gần 1,5 tỷ người nên Trung Đông - Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng thủy sản, sản phẩm dệt may, giầy dép, và những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Do đó, đây được coi như khối thị trường đầy tiềm năng và đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á - Bộ Công Thương khẳng định "Nhu cầu thị trường ở các nước Châu Phi lớn và dễ tính đối với các mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị sản xuất". Thời gian qua, kinh tế các nước Châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Một số nước có tiềm lực về kinh tế khá, nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các loại khoáng sản có giá trị. Nhiều quốc gia ở Châu Phi được hưởng ưu đãi từ Mỹ (đạo luật AGOA), EU hoặc các nước trong khu vực dành cho nhau để tạo cầu nối mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những thị trường trọng điểm ở khu vực này đối với xuất khẩu của Việt Nam bao gồm: Ai Cập, An-giê-ri, Ma-rốc, Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Ni-giê-ri-a, Ga-na, Bờ Biển Ngà, Xê-nê-gan, Tan-da-ni-a, Kê-ni-a, Êthiôpia và Ca-mơ-run. Đây là những thị trường có dân số đông, GDP lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, trao đổi thương mại với Việt Nam tăng mạnh thời gian qua, đồng thời có vị trí địa-chính trị chiến lược, là cửa ngõ trong khu vực.

Đối với khối thị trường Trung Đông, ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á - Bộ Công Thương đánh giá, nhiều nước thuộc khu vực này có sức mua lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, dây cáp điện... và có khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nơi áp dụng thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông đối với xuất khẩu của Việt Nam gồm UAE, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en, I-ran và I-rắc.

Những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi thâm nhập vào thị trường Trung Đông - Châu Phi

Ở khu vực Châu Phi, ông Ngô Khải Hoàn cho biết "Sự khác biệt về tập quán, văn hóa kinh doanh, quãng đường vận tải xa, thông lệ thanh toán nhiều rủi ro, một số quy định về chứng thực lãnh sự, tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, nhất là từ các nước Tây Phi... là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam e ngại khi làm ăn kinh doanh với các đối tác ở Châu Phi".

Chẳng hạn, phương thức thanh toán hay được phía các doanh nghiệp Châu Phi đề nghị sử dụng là D/P, chuyển tiền đặt cọc trước, ít sử dụng L/C. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vì nôn nóng kiếm đơn hàng nên dễ đồng ý theo cách này nên đã có nhiều trường hợp hàng đã xuất đi nhưng khó khăn, chật vật để thu được tiền về.

xuc-tien-thuong-mai-trung-dong-chau-phi-3

Ở thị trường Ai Cập, 6 tháng đầu năm nay, thuế nhập khẩu các mặt hàng thuộc 6 nhóm tiêu dùng thiết yếu đã tăng lên mức 20-40% so với mức 10-30% trước đây đã tác động đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Ai Cập. Cùng với đó, khó khăn về ngoại tệ của các doanh nghiệp tại thị trường này do sức ép từ việc giá dầu suy giảm, giá thành hàng nhập khẩu tăng cao, cầu giảm vì người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng... tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không sẵn sàng với các đơn hàng chậm nợ thì các doanh nghiệp Trung Quốc cho phép đối tác Ai Cập trả chậm nên một số nhà nhập khẩu Ai Cập có xu hướng chuyển sang mua hàng Trung Quốc, thay cho mua hàng Việt Nam.

Tại An-giê-ri, chính sách cấp giấy phép hạn ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý thanh toán hàng nhập khẩu bằng hình thức kê khai qua mạng... cũng là những quy định rườm rà, gây tốn kém thời gian cho doanh nghiệp.

Còn ở Trung Đông, ông Lê Thái Hòa cho hay, tình hình an ninh, chính trị bất ổn, mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo tại các quốc gia, chiến tranh trong khu vực, cấm vận đối với I-ran, nội chiến kéo dài tại Xi-ry, các yếu tố Hồi giáo cực đoan, khủng bố, lừa đảo thương mại, thiếu thông tin thị trường, khác biệt về đặc điểm văn hóa, tôn giáo, tập quán kinh doanh, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thị trường (Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en), không có thói quen mở L/C trong thanh toán... cũng là những khó khăn nổi cộm cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hợp tác làm ăn với các đối tác Trung Đông,

Các giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Để tận dụng hiệu quả những tiềm năng và cơ hội thị trường, đồng thời đối phó với các rủi ro, thách thức, các diễn giả tại hội thảo đều chung quan điểm rằng các doanh nghiệp cần phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình nhằm đảm bảo các mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc chuyển hóa các lợi thế so sánh tĩnh và sẵn có vào giá trị sản phẩm được cung cấp trực tiếp cho khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng việc cải thiện và phát triển các kênh phân phối; tích cực tham gia và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành; tận dụng tốt ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA); xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp; sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách và mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thị hiếu và tập quán tiêu dùng của các nước; xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường; giữ liên hệ với hệ thống Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại khu vực để được tư vấn thông tin và giới thiệu đối tác.

Ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân Việt Nam cho rằng, cùng với việc đầu tư vào các mối quan hệ, chất lượng sản phẩm và sản xuất thì việc xây dựng và quản lý chất lượng là điều tất yếu, đây một loại tài sản vô hình có giá trị lớn và lâu dài.

Đối với những doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào thị trường quốc tế, khi lên kế hoạch cho chiến lược phát triển các nhãn hiệu quốc tế của mình cần phải đăng ký thương hiệu ở trong nước và đặc biệt ở nước ngoài.

Bởi theo ông Nguyễn Liên Phương, khi đã có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm lẫn thương hiệu cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông - Châu Phi sẽ mở rộng hơn rất nhiều.

Việc này không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước mà hình ảnh về thương hiệu "made in Vietnam" cũng sẽ được cải thiện. Uy tín từ thị trường này sẽ là bước đệm quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường lân cận như Châu Âu và các thị trường lớn khác.

Nguồn: Cục Xúc Tiến Thương Mại

SMARTEX

SME MARKET EXCHANGE (SMARTEX), an electronic platform set up under the umbrella of SMIDP is a dedicated portal to showcase the professional capabilities and business strengths of the Vietnamese export-oriented companies, especially the SMEs, disseminate latest information on market demand and supply position and serve as a modern powerful exchange for marketing their products and services globally.

Website: www.smartex.com.vn
Bạn đang ở: Home Thông tin thị trường Nghiên cứu thị trường Ngành hàng nổi bật VCCI Da nang's activities Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi